Tác giả: Giao Chỉ
Jan 07, 2005
Cali Today News – Người nhạc sĩ di cư hai lần sắp sửa tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày lập gia đình ở Hà Nội. Các con của ông sẽ làm tiệc mừng cha mẹ tại nhà hàng Thành Được, Milpitas mang tên nghệ sĩ vọng cổ số 1 Sài Gòn.
Khi được hỏi ý kiến về ngày 30 tháng 4 ghi dấu 30 năm làm ăn tại Mỹ, ông Đạt nói rằng mình chỉ là thường dân nên không có ý kiến. Lại hỏi rằng thành quả lớn lao nhất của đời ông là đã làm được chuyện gì. Ông Phạm Mạnh Đạt 72 tuổi nói rằng thành tích hạng nhất của ông làm ăn nuôi được 5 đứa con và có được 9 đứa cháu.
Xem ra ông Đạt là dân Bắc Kỳ hiền lành nhưng sự thật đã có cuộc đời khá đặc biệt giữa thương trường và văn nghệ.
Ngay từ lúc còn học sinh trẻ tuổi ở Hà Nội ông đã học nhạc và xử dụng thành thạo cây đàn Hạ Uy Cầm, một thể loại nhẹ nhàng tuy không phổ thông nhưng rất hợp với ông. Chàng trai Hà Nội lập gia đình sớm sủa và di cư vào Sài Gòno với cô vợ trẻ và cây đàn.
Tại miền Nam ông cũng bị động viên Thủ Đức nhưng bị thương khi huấn luyện và được giải ngũ. Sau này có lệnh tổng động viên thì ông đã có 5 con nên được miễn dịch. Ông Đạt bây giờ đã trở thành người chơi đàn Hạ Uy Cầm xuất sắc. Khi qua Mỹ vẫn có bà vợ và cây đàn, cộng thêm 5 con nhỏ là các tác phẩm của 21 năm xây dựng cơ nghiệp ở miền Nam.
Định mệnh một lần nữa đưa gia đình ông đến Las Vegas vào năm 75 và đi làm cho nhà hàng 7-Eleven. Tạm thời bỏ đàn, ông nhạc sĩ lo tính tiền, kiểm soát hàng hóa và quét nhà.
Sau một năm học được nghề bán chạp phô Hoa Kỳ, gia đình ông dọn về California, mở tiệm 7-Eleven đầu tiên ở Santa Cruz.
Lúc đầu bán hàng sống qua ngày, trải qua 18 năm, khi bán lại cửa tiệm, ông bỗng thấy mình thành giàu có.
Ông sáng tác nhạc, ấn hành các CD hòa tấu. Ông đệm cho các bài nhạc danh tiếng bằng tiếng Hạ Uy Cầm dìu dặt. Ông mời ca sĩ nổi tiếng trình diễn các bài ca rất trẻ trung của ông. CD lúc đầu phát hành chỉ để vui chơi làm kỷ niệm bỗng trở thành được hâm mộ và nổi tiếng.
Tay nhạc trẻ Trường Kỳ đã đưa cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt vào Tuyển Tập Nghệ Sĩ số 6 nằm ở trang 291 với lời khen ngợi nhiệt thành.
Đầu thập niên 90, “nhạc sĩ đánh đàn nằm” – Hạ Uy Cầm đã có cơ duyên trở thành người tiền phong mở đài Radio tiếng Việt trên đất Hoa Kỳ.
Thực vậy, chính tại San Jose vào đầu năm 1990, có một ông Tàu đưa ra sáng kiến làm chương trình Radio tiếng Tàu và tiếng Việt. Ai muốn nghe phải mua Radio riêng và mỗi Radio lối sẽ chỉ nghe có một đài. Đó là đài Đông Thành phát thanh Việt ngữ. Ông Tàu làm ăn không khá nên gạ bán cho nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Đạt. Coi như vừa bán vừa biếu. Ông Đạt cùng với con rể là luật sư Tiếp mở chương trình Radio Việt Nam đầu tiên tại San Jose. Ông đem bài học 7-Eleven vào Radio. Thay vì bán Radio, ông cho thuê. Nhiều cụ già thuê Radio Đông Thành tháng tháng trích tiền già trả cho tổng đài của ông Đạt . Tiếng nói đầu tiên của nữ xướng ngôn viên Đoan Trang cất lên từ ngày đó.
Và anh Quốc Bảo, chính là Quốc Bảo của Viên Thao hiện nay lúc đó làm Marketing cho Radio ông Đạt sau này cũng là nam xướng ngôn viên đầu tiên. Chương trình đưa qua băng tần FM để thử thách. Tiếp theo tổng đài 1500 liên lạc đến ông nhạc sĩ để gạ bán giờ. Đầu tiên họ cho thử đài. Chỉ một tuần lễ đầu ông Đạt lấy được 90 quảng cáo đặt hàng. Tổng đài gạ bán đứt với giá chừng một triệu Mỹ kim là tối đa.
Nhưng lúc đó, ông Đạt còn đang phân vân. Phần tuổi cao, phần sợ đau ốm. Mới từ giã 18 năm bán chạp phô nên tấm lòng nghệ sĩ muốn đi theo tiếng đàn nhiều hơn là chen chân vào mặt trận Radio. Vì vậy ông không mua đài, mà cũng không mua giờ. Viên Thao Đỗ Vẫn Trọn nhảy vào ký khế ước để bắt đầu chương trình.
Phải nhắc lại rằng, ngày xưa tại Hoa Kỳ, băng tần AM rất ít thính giả. Phần lớn chỉ là chương trình phát thanh tôn giáo buồn tẻ. Thiên hạ thích nghe nhạc trên FM. Nói ít, nhạc nhiều. Less talk, more music. Nhưng từ khi Việt Nam nhảy vào thị trường Radio thì băng tần AM lên giá ào ào.
Giá thuê từ một giờ đã lên đến 0. Mua cả tổng đài ngày xưa lối một triệu Mỹ kim. Giá bây giờ phải nhiều gấp bốn, năm lần.
Mặc dù không mua luôn tổng đài từ đầu thập niên 90 nhưng nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt đã là người mở đường tiên phong cho sự nghiệp Radio Việt ngữ tại Hoa Kỳ.
Miền Nam California phải đi sau cả năm trời. Những kinh nghiệm của chương trình Radio Việt ngữ của Phạm Mạnh Đạt đã đem đến bài học cho nhiều người đi sau. Để ghi dấu kỷ niệm của người mở đường khai lối cho Radio Việt ngữ tại Hoa Kỳ, chúng ta phải đề cập đến Phạm Mạnh Dạt.
Và đặc biệt mừng ông đã tổ chức lễ vàng 50 năm ngày cưới. Nếu hôn nhân là ngục tù thì suốt 50 năm ông Đạt chỉ ở có một nhà tù. Từ Hà Nội – Sài Gòn – Las Vegas – Santa Cruz, ông luôn luôn chỉ có một quản giáo đi kèm. Năm 2005 ông sẽ cho ra đời một CD mới với tiếng đàn Hạ Uy Cầm réo rắt tựa đề là Ngục Tù Yêu Dấu và đề tặng cho nàng quản giáo thân thương. Bởi vì hôn nhân và gia đình đối với ông không phải tù ngục. Đối với ông, hôn nhân là hạnh phúc. Vì vậy nên ông thương bà quản giáo lâu dài suốt 50 năm không chán.
Giao Chỉ viết cho ông “nhạc sĩ đàn nằm” Hạ Uy Cầm Phạm Mạnh Đạt.