Nhạc sỹ Phạm Mạnh Đạt và Tiếng đàn Hạ Uy Cầm một thời vang bóng

Tác giả: Trần Ngọc

    Những ai đã từng đi nghỉ mát tại Hạ Uy Di , đã từng nghe tiếng sóng biển Thái Bình rạt rào vỗ bờ, đã từng ngắm nhìn hàng dừa ngả nghiêng soi bóng bên bờ nước xanh,  chắc không thể nào quên những điệu vũ Hawaii lả lơi mềm mại được trình diễn bởi những nhan sắc Á Đông mặn mòi miền biển . 

Những điệu vũ Hawai ấy thật đẹp , thật uyển chuyển và đắm say . Nhưng không thể đẹp , không thể đắm say toàn vẹn , nếu không có sự dẫn đưa của tiếng đàn Hạ Uy Cầm lả lơi réo rắt . Đó là tiếng đàn có sức quyến rũ lạ thường , cho nên dù khi nhạc bản đã chấm dứt , người nghe hầu như cảm thấy dư âm còn đâu đó , đang đọng thành từng giọt lãng mạn để vỗ nhẹ vào nỗi rung cảm trong tâm hồn .

Hạ Uy Cầm là tiếng đàn đã một thời vang bóng ở Quê Hương Việt Nam chúng ta vào những thập niên 50, 60 và 70. Thuở ấy tiếng đàn là những đợt sóng xôn xao trong giới âm nhạc và giới thưởng ngoạn vì cái vẻ đài các lẫn lả lơi lãng mạn của nó. Đâu đâu hình như cũng có lớp nhạc Hạ Uy Cầm , đâu đâu hình như cũng có tiếng nhạc Hạ Uy Cầm . Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã tiên phong và nổi danh một thời với tiếng đàn Hạ Uy Cầm , rồi đến các nhạc sĩ khác như Ưng Lang và Phạm Mạnh Đạt … đã tiếp nối tiếng đàn thanh thoát mê hoặc đó.

Nhưng bẵng đi từ khoảng hơn hai thập niên, tiếng đàn Hạ Uy cầm đột nhiên vắng tiếng . Phải chăng Nàng Hạ Uy Cầm đã sớm tưởng mình là một nàng cung nữ tàn xuân để mà bâng khuâng dấu kín dung nhan ? Những ai tri âm, những ai vẫn si mến một vẻ đẹp dịu dàng ,tha thiết và âu yếm của tiếng đàn Hạ Uy Cầm phải chăng chỉ còn một mình Phạm Mạnh Đạt , người nhạc sĩ vẫn còn còn tấm tình thủy chung cho tới bây giờ ?

Quá khứ hình như bao giờ cũng đẹp , nhất là về phương diện nghệ thuật . Nói về các nhạc phẩm, có ai bao giờ muốn những bài tình ca bất hủ như Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Dư Âm của Nguyễn Văn Tý , Nỗi Lòng của Nguyễn văn Khánh , Biệt Ly của Doãn Mẫn hay Thiên Thai của Văn Cao …v..v… trở thành tro tàn đâu? Những nhạc phẩm tuyệt vời ấy vẫn sống mãi theo thời gian.

Như thế thì một tiếng đàn hay , như tiếng đàn Hạ Uy Cầm , thì cũng đừng nên để nó tàn lụi và thất truyền . Và may mắn thay chúng ta vẫn còn Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Đạt , người tình nhân đôn hậu của nàng Hạ Uy Cầm ,vẫn còn hiện tại gảy khúc Hạ Uy Di và dạy đàn Hạ Uy Cầm với nỗi hăng say và luyến lưu chẳng hề phai nhòa.Xin hãy nghe lại tiếng đàn Hạ Uy Cầm để tìm lại dòng âm thanh chơi vơi nổi trôi trong vùng trời xao xuyến .Xin hãy thưởng thức tiếng đàn lả lơi dịu ngọt ấy trong cuốn CD “Những bản tình ca Việt , Mỹ , Hawaii ” và những cuốn CD hòa tấu khác của Trung Tâm Hoa Vàng với ngón đàn Hạ Uy Cầm điệu nghệ của nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt .

Xin hãy đến với Trung Tâm Dạy Nhạc Hạ Uy Cầm của Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Đạt để tìm học lại những dòng âm thanh mà một thời đãõ cuốn hút trái tim người thưởng ngoạn …

Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Đạt là người đã say mê và đã chơi đàn Hạ Uy Cầm từ những thập niên vàng son của nó và cho đến nay , ông vẫn không lìa xa tiếng đàn ấy .Mối duyên tình nghệ thuật giữa người và đàn vẫn đẹp và sắt son như thuở nào . Có thể nói hiện nay nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt là người nhạc sĩ Việt Nam duy nhất còn yêu mến và còn chơi đàn Hạ Uy Cầm với tất cả những thiết tha và say đắm của tâm hồn. Độc hành trong sứ mạng nghệ thuật tự mình ràng buộc lấy, tôi không nghĩ rằng nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt cảm thấy cô đơn , bởi vì chung quanh ông , vùng âm thanh xao xuyến ấy vẫn là những sợi tơ luyến lưu chẳng rời ; chung quanh ông , những người ái mộ và những lá thư cảm mến vẫn là niềm an ủi không nguôi.

Xin chúc Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Đạt thành công trong việc làm sống lại , hay ít nhất không làm thất truyền một tiếng đàn thật hay đã thuở nao một thời vang bóng.Xin hãy trong một lúc nào thanh vắng, mở nghe tiếng đàn Hạ Uy Cầm của Phạm Mạnh Đạt , để thấy trong tâm hồn thấm lịm một nỗi mênh mang dịu dàng êm ái , tựa như cơn mưa hạnh phúc đang nhỏ từng giọt tươi mát trên mảnh đất khô cằn của miền nắng hạ.

Thung Lũng Hoa Vàng Một ngày giữa Xuân, 1999 Trần Ngọc.