Tác giả: Phạm Duy
Có thể nói, Tân Nhạc Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị, nghĩa là từ cuối thập niên 1938 cho tới 1944, lúc đó còn được gọi là nhạc cải cách, đều là những nhạc phẩm sọan theo hình thức Chansonnette, pop song của Âu Mỹ, hình thức này đến với nước ta bằng đĩa hát, nhất là bằng những phim chiếu bóng, lúc bấy giờ không còn là phim câm nữa khởi sự có tiếng nói (cinéma parlant) có đối thoại có ca múa v.v.
Loại phim có nữ diễn viên chính là Dorothy Lamour, phần nhiều là phim có cốt chuyện ở Hải đảo, có tình tứ, có mỹ nữ hở hang, có những bài hát rất lãng mạn với tiếng đàn guitare hawaienne não nuột, ảnh hưởng ngay vào đám thanh niên đang nuôi giấc mộng đem cái mới cái lạ vào Tân Nhạc Việt Nam ở thời buổi phôi thai ban đầu. Hầu hết các nhạc sĩ tiền phong của nhạc “ cải cách “ như : Dương Thiệu Tước, Dzoãn Mẫn, Hoàng Giác, Lưu Bách Thụ…đều bị quyến rũ bởi những âm hưởng phóng đi từ những phim như Adieu Hawaii, South Pacific v.v. Các vị này đều không xuất thân từ một âm nhạc viện nào cả mà chỉ là những amateurs yêu nhạc và đang tập tễnh sáng tác. Họ đều tự học nhạc và chọn Mandoline và Guitare Hawienne là 2 thứ nhạc cụ dễ chơi nhất.Họ cũng có thể được huấn luyên bởi một ông Tầu Lai tên là Wllliam Chấn mở lớp dạy nhạc ở phố Hàng Da Hà Nội. Ông Dương Thiệu Tước là người đi đầu với những bài mang tính chất Hạ Uy Di như : Tâm Hồn Anh Tìm Em, Bên Cây Lục Huyền Cầm…Ông cũng có một lớp dậy Guitare Hawienne ở phố Hàng Gai Hà Nội, những bài mang âm hưởng và âm sắc Hạ Uy Di khác như : Biệt Ly của Dzoãn Mẫn, Mơ Hoa của Hoàng Giác, Chiều Vàng, Nỗi Lòng, Nghệ Sĩ Với Cây Đàn của Nguyễn Văn Khánh… được mọi người hoan nghênh vì cái ướt át, cái quyến rũ của những loại ca khúc này.
Tôi nghĩ rằng đàn Guitare Hawaienne là thứ đàn phổ thông nhất trong thời kỳTân Nhạc Việt Nam vừa thành hình. Thanh niên nam nữ đua nhau học Ghi-ta Hạ Uy Di. Ở khu Bạch Mai Hà Nội, vào thời 1940 thiếu nữ Phạm thị Thái , về sau mang tên Thai Hằng chơi đàn Hawaienne cũng khá lắm.
Cho tới khi tân nhạc khởi sự thành hình với nhiều loại âm nhạc khác, ca khúc mang âm hưởng Hạ Uy Di bớt xuất hiện, tiếng đàn Hawaienne na ná tiếng đàn bầu Việt Nam vắng dần, rồi hầu như biến mất , trong khi Tân Nhạc Việt Nam ở miền Nam, có nhiều ban nhạc bắt chiếc tứ quái The Beatles xuất hiện với thành phần Guitare diện, Guitare Bass, Organ và trống Jazz gọi là Combo. Không còn ai nhớ đến cây đàn Ha Uy Di nữa.
Trên 50 năm sau, chỉ còn có mộït người nặng tình với cây đàn Hạ Uy Di đó là Phạm Mạnh Đạt, không những anh là người nhạc công duy nhất ở Hải ngoại biết đánh đàn này của những năm gần đây, anh còn dùng Ghi-ta Hạ Uy Di dể chuyên chở một số ca khúc Việt Nam mới và cũ để làm cho tân nhạc phong phú hơn, ra khỏi cái routine nhạc Combo ồn ào, kích dộng….trở về với sự bình tâm và tĩnh lặêng của tâm hồn sau nửa thế kỷ xáo động.
Ngoài vài nhạc mục gồm những ca khúc tiền chiến với sự phóng tác theo nhạc ngữ Hạ Uy Di của anh Phạm Mạnh Đạt, chúng ta còn được nghe những sáng tác của anhvới chủ đề tình quê, tình gia đình, tình người , tình nam nữ v.v.
Tôi sẽ còn hoan nghênh anh Phạm Mạnh Đạt nếu anh mở một lớp dạy đàn Hạ Uy Di để trong tương lai, chúng ta được nghe bốn nhạc sĩ với bốn cây đàn lục huyền cầm, mặc quần áo thêu hoa trắng, cổ đeo tràng hoa “lei”, tám bàn tay vuốt và khẩy giây, gợi lên âm thanh thần tiên của hải đảo thơ mộng, cảnh thanh bình của hàng dừa bãi cát, với gió thoảng ,sóng gào, và chắc hẳn phải có thêm vài vũ nữ với da thịt mầu nâu, váy lá thơm tho, bàn tay phù thủy, nụ cười một trăm phần trăm hòa bình…