Tác giả: Trường Kỳ
Họa hoằn lắm kể từ khi ra đến hải ngoại người ta mới được nghe những âm thanh réo rắt và uyển chuyển của cây đàn Hạ Uy Cầm, có nguồn gốc từ nơi được mệnh danh là “Thiên Đường Hạ Giới” là quần đảo Hạ Uy Di.
Nhạc khí này gần như bị hoàn toàn lãng quên nơi giới thưởng thức nhạc người Việt khi những âm thanh điện tử trở thành bá chủ trong thời đại kỹ thuật tân tiến. Nhưng thật sự cây đàn Hạ Uy Cầm vẫn còn tồn tại, mặc dù rất khiêm nhượng với một số người nghe chọn lọc. Trước kia số nhạc sĩ sử dụng nhạc khí này cũng rất ít ỏi, có thể đếm được trên đầu ngón tay với những tên tuổi như William Chấn – một nhạc sĩ mang quốc tịch Anh, sinh sống ở Việt Nam, nay đã ngoài 80, được coi như bậc thầy của nhạc khí này – và một số những nhạc sĩ khác như Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Thiện Tơ, Hoàng Giác, vv…thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam.. Lớp nhạc sĩ tiếp nối trong việc bảo tồn những sắc thái đặc biệt của cây đàn Hạ Uy Cầm lại càng ít hơn, được biết đến nhiều hơn cả là Huyền Nga, Nguyễn Ngọc và Phạm Mạnh Đạt. Hai người trước đã từng có một thời gian dài mở lớp dạy nhạc ở Sài Gòn, hiện cư ngụ ở Las Vegas, trong năm 2001 đã thực hiện CD hòa tấu Hạ Uy Cầm đầu tiên của họ tại hải ngoại. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt tại San Jose cũng đã bỏ công thực hiện một số CD nhằm bảo tồn những âm thanh quyến rũ của cây đàn Hạ Uy Cầm nơi những người yêu nhạc. Việc làm của ông đã được hưởng ứng nơi một số thính giả tuy hạn chế nhưng đã dành nhiều ưu ái cho những âm thanh lả lướt, gây được nhiều xúc động cho tâm hồn này. Số thính giả của cây đàn Hạ Uy Cầm chắc chắn không sao so được với số thính giả của những nhạc khí khác, nhưng một khi đã bị mê hoặc bởi âm thanh của nó, người ta khó có thể xa rời. Chính nhờ điểm này, Phạm Mạnh Đạt đã thành công ngay sau khi tung ra băng nhạc hòa tấu Hạ Uy Cầm đầu tiên với tên “Một Thuở Yêu Đàn” vào năm 89. Khi thực hiện băng nhạc này, nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt không hề kỳ vọng ở một sự thành công nào, ngoài ý muốn ghi lại những âm thanh đặc biệt của cây đàn Hạ Uy Cầm như một kỷ niệm cho chính mình. Nhưng không ngờ, sau khi được tung ta thị trường, ông đã nhận được rất nhiều thư khen tặng đến từ những nơi xa xôi như Pháp,Đức, Uùc, vv… Sự xuất hiện hiếm hoi của những âm thanh phát xuất từ cây đàn độc đáo đó được coi như quí giá với những người đã “một thuở yêu đàn”. Từ những sự khích lệ không ngờ khiến ông trải qua những giây phút xúc động, Phạm Mạnh Đạt bắt tay ngay vào việc thực hiện một băng nhạc hòa tấu Hạ Uy Cầm khác để tíếp tục nhận được sự ủng hộ vào năm 90. Trước sự thành công được Phạm Mạnh Đạt cho là bất ngờ đó, trung tâm Thúy Nga đã đề nghị mua đứt băng nhạc đầu tiên “Một Thuở Yêu Đàn” của ông, trong khi băng nhạc hòa tấu Hạ Uy Cầm thứ nhì được bán độc quyền cho trung tâm Avitek Trang Châu. Băng nhạc thừ ba của Phạm Mạnh Đạt thực hiện sau đó là “Sai Gòn Có Em” cũng đã được trung tâm Phượng Nga mua đứt để tung ra thị trường với sự đón nhận đặc biệt của những người say mê tiếng đàn lả lướt này. Với thành quả đạt được không ngờ, Phạm Mạnh Đạt đã khiêm nhường cho rằng không phải đến từ tài nghệ của mình mà do sự hiếm hoi của tiếng đàn Hạ Uy Cầm dành cho những người thưởng thức. Thật ra sự thành công đều đến từ hai nguyên nhân, trong đó khả năng sử dụng Hạ Uy Cầm của Phạm Mạnh Đạt đã góp phần không nhỏ mặc dù ông không phải là một tay đàn lão luyện, mà chỉ là một người lấy âm nhạc là một thú vui tiêu khiển.
Phạm Mạnh Đạt đến với cây đàn Hạ Uy Cầm thật bất ngờ. Theo lời ông kể, trong thời kỳ học sinh ở Hà Nội và theo học đàn violon, ông có quen một người bạn học đàn Hạ Uy Cầm với nhạc sư William Chấn, và ông cùng người bạn thường cùng nhau hòa đàn vào mỗi buổi tối. Sau hai năm trời, ông đã bị những âm thanh của nhạc khí này quyến rũ để đi đến quyết định bỏ học vĩ cầm trong lúc phong trào Hạ Uy Cầm đang lên cao. Từ đó ông mầy mò học hỏi Hạ Uy Cầm qua sách vở với nhiều tiên bộ rõ rệt, cùng sự gắn bó càng ngày càng mật thiết với nhạc khí này cho đến bây giờ, mặc dù bị đứt quãng một thời gian dài vì hoàn cảnh, sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Trong một lần đến thăm nhạc sư William Chấn, ông đã được bậc thầy của Hạ Uy Cầm ngỏ lời khen ngợi với ngón đàn của ông.
Phạm Mạnh Đạt sinh năm 1934 tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ông theo học bậc trung học tại trường Nguyễn Khuyến, tỉnh Hải Dương. Sau đó lên Hà Nội theo học đại học, nhưng chỉ được 1 năm thì bị gọi động viên vào năm 1953 để gia nhập trường sĩ quan Thủ Đức. Trong khi tập luyên, ông nhẩy từ cao và bị vỡ xương gót chân nên được giải ngũ và quay trở về Hà Nội. Ông di cư vào Nam năm 54 và cư ngụ tại Sài Gòn cho đến tháng 4 năm 75. Vào năm 56, Phạm Mạnh Đạt đã đứng ra mở một lớp dạy nhạc trên đường Hai Bà Trưng cho đến khi được thu nhận vào làm việc trong ngành Hàng Không Dân Sự tại Tân Sơn Nhất. Cũng trong thời gian này, vào cuối thập niên 60, ông từng cùng với một ban nhạc thỉnh thoảng trình diễn tại các clubs trong các căn cứ quân sự Hoa Kỳ.
Phạm Mạnh Đạt cùng với gia đình – vợ và 5 con: 3 trai, 2 gái , trong số có nữ ca sĩ Thảo My là người con thứ tư – sang Mỹ vào năm 75. Thoạt đầu gia đình ông cư ngụ tại Las Vegas là nơi chỉ một tuần sau ông đã tìm được việc làm cho một cửa hiệu Seven Eleven do cơ quan OICC giới thiệu. Trong những tháng đầu, Phạm Mạnh Đạt đã có được một kỷ niệm khó quên vào dịp tết Bính Thìn, đánh dấu cho mùa xuân ly hương đầu tiên vào năm 76. Ông được mời tham dự buổi văn nghệ mừng xuân với khoảng 100 người tham dự, phần lớn là vợ của các quân nhân Hoa Kỳ trong một căn cứ không quân ở Las Vegas. Vì không ai có đàn Hạ Uy Cầm nên ông đã phải ra chợ trời tìm mua được một cây đàn với giá 25 “đô la”, cho đến nay thỉnh thoảng ông vẫn còn sử dụng. Tiếng đàn của ông đã khiến tất cả mọi người rơi lệ, nhất là khi nhạc phẩm “Việt Nam, Việt Nam” được tấu lên. Chính ông cũng không cầm được nước mắt khi nhớ về quê hương mới lìa xa khi nghe những âm thanh não nuột phát ra từ cây Hạ Uy Cầm do ông độc tấu.
Nhờ tư cách đứng đắn và sự làm việc chăm chỉ, Phạm Mạnh Đạt đã được người chủ hiệu Seven Eleven tin cậy và muốn giúp ông mua một cửa hiệu để tự làm chủ. Tuy nhiên vì chưa có quốc tịch Mỹ, ông đã không được chấp nhận để đứng tên theo luật của tiểu bang Nevada. Ông quyết định cùng gia đình rời về thành phố Santa Cruz, cách San Jose khoảng 45 phút lái xe để đứng ra điều hành một tiệm Seven Eleven. Liên tiếp trong 18 năm, nhờ vào sự buôn bán phát đạt, ông đã lo liệu chu toàn cho 5 người con thành tài, đều đã lập gia đình và cho ông được tất cả 9 cháu nội, ngoại.
Không những chỉ gắn bó với cây đàn Hạ Uy Cầm, Phạm Mạnh Đạt còn là một nhạc sĩ sáng tác với tổng số khoảng 50 ca khúc, được chia thành 2 thể loại chính : tình cảm đối với quê hương và tình yêu đôi lứa với đủ mọi tiết điệu, không kể một số ca khúc mang tính cách đấu tranh. Nhờ có được một căn bản nhạc lý vững vàng sau một thời gian theo học với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát trong thời kỳ trung học ở hậu phương, ông đã bắt đầu sáng tác từ khi mới ngoài 20 tuổi với nhạc phẩm đầu tay “Hẹn Ngày Mai”. Thời đó, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từ thành chạy về hậu phương và ở cạnh nhà ông nên Phạm Mạnh Đạt đã có dịp học hỏi được nhiều nơi người nhạc sĩ lão thành này, kể cả môn Pháp Văn. Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát rời đi, đã bỏ quên lại nhà ông tập nhạc “Trường Kháng Ca” có nội dung chống Pháp. Trong một lần nhà ông bị Pháp khám xét, tập nhạc đó đã bị tịch thu và ông đã bị một trận đòn nhừ tử khiến ông không thể nào quên được những kỷ niệm về người đã đưa ông đến với âm nhạc.
Nổi bật hơn cả trong những sáng tác của Phạm Mạnh Đạt là những ca khúc gợi nhớ kỷ niệm nơi quê nhà. Qua nội dung những sáng tác mang đề tài quê hương, ông đã tỏ ra là một người nặng tình với nơi chôn nhau, cắt rốn, với những nơi ông đã sống hoặc chỉ đặt chân đến một vài lần. Trong lần đầu tiên về thăm lại nơi ông đã chào đời, Phạm Mạnh Đạt đã xúc cảm để viết thành ca khúc “Một Chuyến Về Quê” vào năm 90. Hình ảnh của Hà Nội, nơi ông đã trải qua thuở hoa niên cũng đã được đưa vào nhạc phẩm “Hà Nội Chiều Mưa Bay” nhân dịp về thăm vào năm 94. Sau lần ghé Huế, tâm hồn ông cũng dạt dào để soạn thành nhạc phẩm “Cố Đô Tôi Nhớ” ( phóng tác từ thơ của Vũ Hối và Hồ Mộng Thiệp ). Đà Lạt cũng được ông đưa vào dòng nhạc của mình với bài “Đà Lạt Buồn”, trong khi những kỷ niệm êm đềm của ông tại Sài Gòn đã được Phạm Mạnh Đạt diễn tả bằng âm nhạc với tựa đề “Sài Gòn Có Em”. Ông đã tóm gọn tình cảm tha thiết của mình đối với quê hương trong nhạc phẩm với một tựa đề đầy ý nghĩa:”Không Đậu Bằng Trên Quê Hương Tôi”.
Với nhạc tình cảm, Phạm Mạnh Đạt cũng đã biểu lộ được bản chất nghệ sĩ lãng mạn của mình qua những ca khúc trữ tình như “Mưa Buồn”, “Tình Ngàn Thu”, “Tiếc Nuối Tình Ta” hoặc “Chuyện Tình Buồn Titanic”, cảm hứng từ tác phẩm điện ảnh mang cùng tên. Nhưng dáng ngạc nhiên hơn cả là tuy có số tuổi đã cao nhưng tâm hồn Phạm Mạnh Đạt vẫn còn giữ được những nét trẻ trung, phóng khoáng. Không ai ngờ được với số tuổi gần 70 mà ông còn tạo được những ca khúc vui tươi, trẻ trung, đôi khi còn mang nét nhí nhảnh qua những thể điệu rất trẻ và…hợp thời trang như Rap hay Bebop trong “Mơ Về Em”, “Tại Anh Đó”, “Em 17-13” hoặc gần đây là “Đàn Ông Năm 2000”. Nếu không nói ra, khi nghe chắc chắn người ta sẽ cho đó là những ca khúc được viết bởi những nhạc sĩ trẻ.
Tất cả những sáng tác của Phạm Mạnh Đạt đã được ông đưa vào 5 băng nhạc và CD, ngoài 5 sản phẩm khác gồm những bài được diễn tả bằng tiếng đàn Hạ Uy Cầm của ông qua những nhạc phẩm phù hợp với nhạc khí này như Biệt Ly, Đàn Chim Việt, Nỗi Lòng, vv…Với “Ai Về Sông Tương” của Thông Đạt, có thể coi Phạm Mạnh Đạt là người đầu tiên diễn tả bằng tiếng đàn Hạ Uy Cầm tại hội chợ tổ chức tại Hồ Hoàn Kiếm vào năm 53, cũng là năm tác phẩm của nhạc sĩ Thông Đạt gây được một tiếng vang đáng kể. Ông cũng là một trong những người thực hiện video đầu tiên với tính cách cá nhân. Vào năm 1992, ông đã cho ra đời một video ca nhạc với những ca khúc của mình, được trình bày qua tiếng hát của Ý Lan, Như Mai, Ngọc Trọng, Thiên Trang, vv… 10 năm sau, một lần nữa, Phạm Mạnh Đạt đã hoàn tất thêm một chương trình video ca nhạc mang tựa đề “Tìm Trong Kỷ Niệm” vào cuối tháng 11 năm 2002, bao gồm 20 nhạc phẩm là những nhạc phẩm ưng ý nhất của ông. Trong đó ông đã có dịp phô diễn tiếng đàn Hạ Uy Cầm của mình cũng như gửi đến người nghe tiếng nói của tâm hồn nghệ sĩ nơi ông, qua những ca khúc được trình bầy, một số đã được đưa vào “Tuyển Tập Tình Ca” của ông..
Với số tuổi đã cao, nhưng Phạm Mạnh Đạt lúc nào cũng luôn tỏ ra tha thiết với âm nhạc mà ông luôn giữ sự thủy chung như ông từng tâm sự.
Nhờ đó ông có được một thú tiêu khiển tao nhã để ông hết lòng sống với cây Hạ Uy Cầm và những sáng tác của mình…